[Tập viết trên máy vi tính] Viết nhảm (1) – Mùa hè đang đến.

Viết nhảm (1) – Mùa hè đang đến.

0.
Chó con buồn, vì nó không có bánh mì để ăn với mứt dâu.

1.
Mùa hè đang đến, và Hà Nội nóng kinh hoàng. Khi tôi nói chuyện với những người bạn, câu mà tất cả cùng nói với tôi là “Nóng quá!”.

Như mọi khi, tôi kiên quyết không bật máy điều hoà dù thời tiết có đến ba mươi bảy độ C. Bật điều hoà ít thôi sẽ giúp ích cho môi trường. Ừ, tốt nhất là không dùng. Trừ khi những cơn nóng thực sự khiến bạn phát bệnh và nổi điên.

2.
Chúng tôi là những học sinh.

Mỗi mùa hè đến, chúng tôi nghỉ học ở trường, nghỉ hoàn toàn khoảng nửa tháng và sau đó lại cập rập đi học thêm. Nếu có ai đó nói mùa hè họ được nghỉ ngơi thư giãn, đi du lịch, làm thêm hoặc làm những gì mình thích, họ luôn nhận được sự ghen tị.

Tôi vẫn nhớ về những mùa hè khi tôi còn học cấp một. Tôi quanh quẩn trong nhà, mặc một cái áo ba lỗ, một cái quần cộc và được vẽ. Cả ngày tôi ở trên gác xép, giữa những giá vẽ, lọ màu và ánh đèn vàng cam nhờ nhờ. Tôi thích ánh đèn ấy, và luôn bật nó lên dù còn những ống đèn tuýp trên tường.

Những mùa hè ấy tôi được làm những gì tôi thích. Tôi vẽ ước mơ của tôi. Nguệch ngoạc. Và giữ chúng trong ngăn bàn.

Bây giờ, khi tôi đang lớn, tôi đã bỏ chúng ở một nơi nào đó. Mỗi lần nhớ về những mùa hè là một lần ký ức về chúng thêm nhạt nhoà. Tôi đang lãng quên những bức tranh của tôi, những ước mơ của tôi. Chúng đã trôi đến một nơi nào đó, một nơi nào đó không hề tồn tại. Cho đến giờ tôi không thể vẽ nữa.

Khi tôi lớn hơn nữa, tôi hoàn toàn quên rằng mình đã từng vẽ được ước mơ.

3.
Hôm qua tôi đã đọc được trên ichinews một bài phỏng vấn được chị Rei Shou An (xin lỗi, thực ra tôi không nhớ tên chị ấy lắm) dịch ra đại ý như thế này :

_Bạn mong đợi gì ở trẻ em thế kỷ hai mươi mốt ?

_Tôi mong các em có ước mơ. Bây giờ, khi được hỏi, các em đều trả lời rằng ước mơ của các em là được vào một trường đại học tốt.
Điều đó không phải là xấu, nhưng khi chúng tôi còn trẻ, giấc mơ của chúng tôi là được làm phi công, hay tiếp viên hàng không, đại loại vậy…

Tôi sẽ không trích dẫn đoạn sau ra, vì đoạn đó khiến tôi thấy buồn hơn.

[Hạt dẻ của Du Mai] Đại khái là, rồi cô ấy sẽ ra đi

=~= Hơn bao giờ hết, tôi muốn viết tiếp và hoàn thành cái hạt dẻ này [ trong một ngày không xa ].

Vì giờ thì tôi cạn hứng mất rồi. Hức!

.

.

.

Đại khái là, rồi cô ấy sẽ ra đi.

Tôi còn nhớ khung cảnh lúc đó, khi mà cô ấy nói rằng rồi cô ấy sẽ ra đi. Những hình ảnh rõ nét, sắc sảo như thể đó là những mảng ký ức về một bộ phim vừa xem, còn tươi mới đến nỗi thậm chí một cảnh quay không mấy đặc sắc cũng có thể khiến ta ghi nhớ, chưa thể quên ngay được.

Cô ấy nói, đại khái là, rồi cô ấy sẽ ra đi.

Tôi lắc lắc cái vòng nhựa màu đen hình elip dày có đính kim loại ở cổ tay trái, nghe lấy được, gần như không để tâm vào những gì cô ấy đang nói, chỉ biết đại khái là, rồi cô ấy sẽ ra đi. Cho đến bây giờ, khi cô ấy đã ra đi, tôi cũng chỉ có thể nhớ mang máng, đại khái là, lúc đó cô ấy đã nói rằng, rồi cô ấy sẽ ra đi.

Rồi cô ấy sẽ ra đi.

Chừng ấy con chữ lởn vởn trong đầu tôi, quay ngang quay dọc nhiều góc độ, theo cái cách mà các bà các chị vẫn dùng để săm soi một món hàng nào đó trước khi quyết định xem rút cục thì có nên mua hay không. Nhiêu khê, phiền nhiễu và đong đầy phân vân đến vậy. Nhưng cuối cùng vẫn chẳng đưa ra được bất cứ quyết định nào. Cứ thế loay hoay. Cứ thế xoay vòng giữa những nghĩ suy tính toán thiệt hơn. Kết cuộc vẫn không thể hiểu nổi mình nên làm gì và tại sao lại phải mất nhiều thời gian cho một quyết định chọn lựa mang tính cá thể đến vậy.

Rồi cô ấy sẽ ra đi.

Và cô ấy đã đi thật, đã đi mất từ lâu lắm rồi. Cô ấy đã hoàn toàn biến mất khỏi cuộc đời tôi, mà không rõ là có còn xuất hiện một lần nào nữa hay không, vào khoảng 13h29’, ngay lúc này, trong thời điểm này cách đây hai tuần lẻ bốn ngày. Đó là lúc tôi phát hiện ra rằng, quả nhiên cô ấy đã đi rồi.

Cô ấy đã ra đi, như cô ấy từng nói. Còn tôi, thì ở lại, đơn giản chỉ là vì tôi chưa bao giờ có ý định rời khỏi đây, dù chỉ là trong suy nghĩ của riêng mình.

Có người đến nói với tôi rằng, cô ấy đã đi rồi. Tôi cũng ừ, như thể đó là một việc đương nhiên phải xảy ra, với một thái độ tương đối bình thản. Người đó hỏi rằng, tại sao tôi lại thờ ơ đến vậy. Tôi cũng chẳng biết phải trả lời làm sao nữa, nên im lặng.

Và rồi người đó cũng bỏ đi. Để tôi ở lại, một mình.

Cũng giống như cô ấy, có rất nhiều người đã đến và đi, có khi vội vã đến độ còn không kịp dừng lại bên tôi dù chỉ vài khoảng khắc mà cứ thế lướt qua, nhanh đến mức tôi thậm chí còn chưa nhớ mặt nghe tên. Và cũng giống như họ, rồi cô ấy cũng ra đi. Để tôi ở lại, một mình.

[Lam Vũ] Mì ăn liền và trà túi lọc

.

.

1. Dành cho trẻ từ bốn tuổi trở lên. Và chẳng có gì để cảnh báo cả.
2. Viết để tìm lại cảm hứng.

.

.

.

Mì ăn liền và trà túi lọc

.

– Lam Vũ –

.

.

.

“Ăn mì nhiều không tốt đâu.”

Bà ngoại tôi khẽ cằn nhằn khi tôi lôi gói mì từ trong cái thùng to màu xanh da trời ra. Mẹ tôi đã để hết tất cả những thứ đồ ăn liền và gia vị vào trong ấy. Tôi rất ngại khi phải nhấc cái nắp to của nó lên bằng một tay, tay kia khua khoắng trong thùng để lấy gói mì. Tuy vậy tôi vẫn lấy mì ra ăn trưa đều đặn bốn lần mỗi tuần.

Tôi là một học sinh cấp hai. Tôi đi học từ sáng đến mười hai giờ mười phút trưa về đến nhà, và một giờ rưỡi chiều tiếp tục đi học. Tôi cần ngủ hơn cần ăn, nên có hơn một tiếng để nghỉ ngơi tôi chỉ muốn ngủ. Chính vì thế tôi luôn ăn mì gói.

Sau khi nhắc tôi, bà vào phòng và đóng cửa lại xem tivi. Trước đó còn liếc nhìn gói mì tôi đặt trên bàn. Tôi cười trừ và lấy ra một cái bát to, xé gói mì xong cho mì vào bát. Dưới ánh đèn bếp nó biến thành một vật lấp lánh màu vàng. Tôi kéo lại cái bao bì cho thẳng trước khi vứt nó vào sọt rác. Tôi nhìn lại bát mì. Mì khô được đóng thành một cục hình vuông, thủng lỗ chỗ. Những lỗ thủng méo mó và nhỏ bé khiến tôi bật cười. Tôi đổ nước sôi vào bát và trong khi chờ mì nở, tôi dùng ít nước sôi còn lại hoà tan đường, pha một cốc trà với túi trà lọc. Nhúng túi trà vào nước nóng là tôi thấy từng sợi sậm màu kỳ quái lan toả khắp nơi.

Mì trong nước sôi nở ra dần dần. Khói trắng xoá bốc lên từng đợt ngắn. Những sợi vàng nhạt chuyển động vô cùng khẽ khàng. Tuy vậy tôi nghĩ rằng chúng đang đau đớn quằn quại. Chúng đang run rẩy và quyến luyến rời xa nhau. Nỗi đau lớn đến mức chúng không thể kêu thành tiếng, mà chỉ có thể bắt người ta cảm nhận. Hoặc giả chúng không kêu vì biết có kêu đi nữa cũng không ai thèm để ý đến. Dần dần nước mì biến thành màu vàng. Những váng mỡ và hành nổi lên trên mặt bát. Những sợi mì loăn xoăn vẫn quấn vào nhau, giờ đây căng phồng và quăn hơn nữa, từ hình vuông trở thành một đám ngồn ngộn trong lòng bát.

Chỉ vài phút sau, bát mì của tôi đã nở hết, vừa đủ ngon lành để ăn. Cốc trà cũng hoàn toàn biến thành màu nâu loãng.Tôi điềm nhiên cắn một miếng mì nhỏ, vị mặn và chua của nó xâm chiếm miệng tôi. Nhưng để tả chính xác mùi vị của mì ăn liền thì tôi không thể, bởi nó là một tổng hợp của nhiều loại mùi vị. Ớt để lại những vết cay nóng trên môi tôi, hơi nồng và rát. Tôi ăn với tâm trạng chần chừ, cho đến lúc ăn hết bát mì. Nước của nó đã là màu vàng sậm hơn, nhìn thấy rõ cặn. Còn có cả thứ gì đó mà tôi không thể gọi tên, mờ nhạt như bóng mây. Đúng ra thì nó như một đám bụi xoáy vòng trong vũ trụ.

Ăn hết bát mì rồi, mùi vị duy nhất còn lại tôi cảm thấy là vị mì. Tất nhiên. Nhưng tôi vẫn chưa biết phải diễn tả nó thế nào. Rõ nhất là cảm giác mằn mặn và cay nồng. Mằn mặn không như muối và cay nồng không như ớt.

Tôi dùng giấy ăn lau miệng, rửa tay rồi bắt đầu uống cốc trà. Cốc trà vẫn còn âm ấm, vị ngọt thoáng qua rất dễ chịu. Với tôi cái màu nâu loang loãng của nó cũng rất dễ chịu. Nó đậm hơn màu nâu sậm và nhạt hơn màu nâu nhạt. Tôi ngồi nguyên trên ghế, hít hà mùi thơm của cốc trà và uống từng ngụm nhỏ. Thứ chất lỏng thơm ngan ngát và ấm đi qua họng tôi, xuống tới ngực rồi bụng. Điều thú vị là tôi cảm nhận được tất cả những cảm giác ấy. Tôi mỉm cười cười thích thú. Mì ăn liền và trà là một trong những thứ tôi yêu thích nhất. Xong xuôi, tôi dọn dẹp, rửa chân và ngay lập tức đi ngủ.

Bởi ăn xong bát mì, uống xong cốc trà, bụng tôi quặn đau.

.

.

.

End

Riêng Tư: [Hạt dẻ của Du Mai] [Bí mật] Hạt dẻ trả thù

Đây là nội dung riêng tư. Cần phải nhập mật khẩu để xem tiếp:

Posted in [Hộp hạt dẻ]. Nhập mật khẩu để xem bình luận.

[Tập viết trên máy vi tính] Tôi đợi em ở chân cầu thang.

Bài thứ hai – Tôi đợi em ở chân cầu thang.

0.
Bầu trời ngoài kia có màu xanh thẳm.

Thực ra đó là một câu nói vui. Người ta thích nói ra vì nó đã quen thuộc. Người ta thích viết ra vì nó đẹp. Ai cũng biết, không phải lúc nào bầu trời cũng xanh.

Tôi đã tận mắt thấy một bầu trời trắng xoá.

1.
Trời đang mưa, phải vậy không ?

Tôi tự hỏi như thế khi ra ban công và nhìn xuống. Từ đây tôi có thể thấy mặt đường đen xám đang nhầy nhụa với bùn và nước.

Tôi thấy những chiếc ô đủ màu lặng lẽ lướt qua.

2.
Cô ấy có một chiếc ô. Cô ấy có một chiếc ô màu xanh ngọc.

Tôi đứng dưới chân cầu thang, tựa lưng vào tường, quên mất rằng nó sẽ để lại những vết bạc phếch trên áo. Tôi chỉ đứng đó và chờ đợi như chưa từng được đợi ai bao giờ. Dường như cảm giác của sự mong đợi ấy đến với tôi lần đầu tiên. Hồi hộp, lo âu, sợ hãi, bực dọc, vui mừng. Thêm một chút tò mò nữa.

Cùng lúc ấy tôi đang nghe Chaconne in G minor bằng máy mp4. Piano đệm cho tiếng violin réo rắt. Từng nốt nhạc kéo dài thời gian của tôi, khiến một giây dài đằng đẵng. Tôi đã nghĩ những nốt nhạc là những con dao chăng. Hay rất có thể chúng chỉ là một loại kẹo kéo vị bạc hà, người ta ăn vào sẽ thấy đắng trong miệng và hơi cay xộc lên tận óc, bất ngờ và thô bạo đến mức đau buốt. Nhưng nó là cơn đau dễ chịu nhất trên đời.

Nghe thấy tiếng bước chân, tôi ngước lên nhìn. Cô ấy bước từ đầu cầu thang xuống, chiếc váy xếp li đen uyển chuyển theo từng bước chân, và đôi giày màu đỏ nhung quá sức xinh xắn. Khi đi ngang qua tôi, cô ấy không hề liếc nhìn. Có lẽ bản thân cô nghĩ nhìn thấy người khác như là một sự ban ơn. Đôi mắt cô luôn nhìn thẳng về phía trước, mùi hương ngọt ngào cũng không buồn lưu lại ở đằng sau. Cứ như thế, cô ấy đã bỏ rơi tôi, còn tôi nhìn mãi theo cô.

Tôi không tức giận vì sự kiêu kỳ của một cô gái đẹp. Cho dù tôi không thể nói rõ ràng chính xác rằng cô ấy đẹp ở điểm nào. Khoảnh khắc cô ấy cầm chiếc ô màu xanh ngọc lướt qua tôi, tôi đã cho là cô ấy đẹp. Tôi chỉ tiếc nuối giây phút dịu dàng được đứng gần cô ấy quá ngắn ngủi. Cô ấy lướt qua tôi, không mất đến mười giây. Tôi đã chờ cô ở dưới chân cầu thang một buổi chiều, cô có biết chăng ?

Tôi và cô không quen biết nhau, không có bất kỳ liên hệ, có thể nói là tôi chờ cô ấy chăng ?

Đi qua hành lang, cô ấy bật ô lên. Rồi cô khẽ xoay tròn chiếc ô, bước dưới trời mưa như tham gia một trò chơi rất thú vị. Màu xanh ngọc xoay tròn xoáy vào tâm trí tôi, chậm rãi như cái lạnh buốt khi ta giữ một viên nước đá trong tay.

Cô ấy có một chiếc ô màu xanh. Cô ấy có một chiếc ô màu xanh ngọc. Và buổi chiều hôm ấy nó cứ xoay tròn mãi.

3.
Tôi ngồi ở nhà cả buổi chiều mưa phùn. Tuy chỉ là mưa phùn, nhưng đường rất ướt. Có những vũng nước đục ngầu trên đường lớn, chỉ cần bánh xe lăn qua là văng tung toé. Những vũng nước ấy biến thành cái gai trong mắt người ta, đến ngày hôm sau trời hơi hửng nắng là có thể biến mất.

Tự thân vũng nước không muốn sinh ra, mà khi được sinh ra cũng không muốn biến mất. Nhưng người ta khiến nó phải xuất hiện, và rồi muốn nó biến mất.

Vậy nên, tôi rút ra kết luận rằng, những vũng nước đau đớn và đáng thương hơn những viên kẹo. Những viên kẹo sinh ra để được ăn, khi ra đời chúng xinh đẹp và hạnh phúc, khi được ăn chúng tự hào và kiêu hãnh. Những vũng nước bị ép buộc phải có mặt trên đời, dằn vặt vì con người ghét bỏ và ghê tởm chúng, khi nước bốc hơi dưới ánh nắng cũng là lúc kêu gào vì bị đốt cháy và bỏng rát.

4.
Một ngày nào đó tôi sẽ đứng chờ bạn dưới chân cầu thang, rồi chúng ta dắt tay nhau đến một quán có bán bánh bao hoặc loại bánh kem trên mặt có một quả dâu. Nhưng tất nhiên, sẽ không phải là một ngày có mưa hay trời quá nắng.

Khi nào bạn thấy bầu trời trắng xoá, nếu muốn, hãy gọi cho tôi.

[Tập viết trên máy vi tính] Thứ sáu ngày mười ba tháng ba.

Bài thứ nhất – Thứ sáu ngày mười ba tháng ba.

0.
Thứ sáu ngày mười ba.

Tôi đã trải qua bao nhiêu ngày thứ sáu ngày mười ba, không tin về độ may rủi của nó. Hôm nay cũng là một thứ sáu ngày mười ba gần gần như vậy. Tôi nói gần gần như vậy, tức là nó đặc biệt hơn một chút.

1.
Trời mưa.

Khi tôi thức dậy thì trời đã mưa nhỏ và đường ướt. Chẳng cần ra ngoài cũng cảm thấy bức bối, bẩn thỉu và ướt nhẹp.

Tôi đã không đạp xe đến trường mà nhờ bố đưa đi. Ngồi đằng sau xe, chẳng cảm thấy được một chút gì hết. Tôi đội cái mũ bảo hiểm nặng nề sùm sụp, xe lao nhanh nên tất cả màu xám.

Lạnh quá nhưng không thể ôm bố, vì áo của tôi ướt.

2.
Buổi chiều khi tôi đi học, bầu trời có một màu vàng ảm đạm. Nó là màu vàng suy kiệt tàn tạ nhất mà tôi từng thấy. Có lẽ là nắng bị mây đen chặn mất. Hoặc đó là biểu trưng của một sự sống đang bị ăn mòn.

Tôi đạp xe trên đường, gió táp vào mặt càng lúc càng lạnh hơn. Đến đầu một con dốc, tất cả bị chia thành hai thế giới. Bên tôi đứng vẫn là bầu trời màu vàng nhợt nhạt. Bên kia hoàn toàn màu xám tro. Màu xám ấy đẹp hơn chỗ tôi đứng rất nhiều. Màu xám vô cùng cuốn hút và bí ẩn. Tuy nhiên ai cũng chần chừ không muốn đi qua bên ấy.

Tôi ngửi thấy mùi cỏ. Gió mạnh muốn thổi bay tất cả đi, và đám lá rụng hoảng loạn. Khi tôi đứng dưới bầu trời màu xám, tôi cứ sợ mình sẽ chết, chết vì bất cứ điều gì.

3.
Mưa bắt đầu rơi khi tôi đến gần lớp học thêm.

Thành thực mà nói, tôi nhớ mẹ kinh khủng. Tôi cho rằng chẳng có gì là lạ khi một đứa con gái mười bốn tuổi gần năm tháng nhớ mẹ trên đường đi học. Tôi hơi run, và nước mắt tràn ra từng giọt vì lạnh. Tôi mong là không ai nghĩ rằng tôi đang khóc.

Khóc và chảy nước mắt là hai khái niệm khác nhau.

4.
Tôi về nhà khi trời đã tạnh mưa, rất may đường cũng không còn ướt lắm. Tôi đạp xe trên đường Kim Mã, vừa đạp xe vừa nghĩ vẩn vơ, rồi dừng lại giây lát ở cột đèn giao thông. Tôi nhìn thấy một người phụ nữ đứng ở bến xe. Cô ấy nhuộm tóc màu nâu hạt dẻ, mặc một chiếc áo len màu be và váy đen. Mái tóc mềm xoã dài trên vai khiến cô ấy trông càng thêm dịu dàng. Tay cô ấy mân mê quai túi xách màu xám. Mắt cô ấy hướng về phía bên đường, nhìn vào một điểm mà cũng không nhìn đi đâu cả. Có vẻ như mắt chúng tôi đã chạm nhau, và cô ấy mỉm cười.

Tôi chợt nghĩ, nếu tôi có quen biết cô gái này, tôi sẽ yêu cô ấy.

5.
Điện thoại di động của tôi có một tin nhắn. Khi tôi mở ra xem, đó là tin nhắn yêu đương từ một người đã quen từ rất lâu. Chúng tôi mới nối lại quan hệ sau tám tháng cắt đứt liên lạc từ vài ngày trước. Lời lẽ rất ngọt ngào. Hơn nữa nội dung tin nhắn này tôi đã thuộc lòng từ lâu vì trước đây tuần nào cũng nhận được. Tuy nhiên, tôi cảm thấy khác, vì người ta đã thay đổi, và tình cảm trong lòng tôi cũng khác.

Nơi tôi đứng đây, tám mươi phần trăm những lời ngọt ngào là dối trá.

6.
Còn sáu tiếng mười lăm phút nữa là hết một ngày, tôi rất nhớ các bạn của tôi.

7.
Hôm nay là sinh nhật một người tôi thương quý. Dù anh ấy không có thật, hay có thật, tôi nghĩ không ai có quyền phủ nhận sự tồn tại của anh.

Vì thế, không cần biết anh đang ở đâu, tôi chúc anh một ngày hạnh phúc.

[Hạt dẻ của Du Mai] Giấc Đông Miên

+ Category: angst

+ Rating: K

+ Summary: chưa có~

.

.

.

1.

Nó khóc. Vì đứa trẻ đó vẫn đang khóc. Nó thực sự không biết làm sao để nín. Có lẽ, chỉ khi đứa trẻ ấy thôi không khóc nữa và làm một thứ gì đó khác. Một thứ gì đó, không phải là rơi lệ hay nức nở giữa những âm thanh ấm ức.

Qua màn nước mắt lòe nhòe, nó nhìn thấy chính mình trong tấm gương treo méo xẹo trên tường. Tấm gương đó lúc nào cũng ở trong một trạng thái lệch lạc và chênh vênh. Là mẹ đã treo nó lên và cũng chính mẹ bỏ rơi nó ở đó với một thái độ thờ ơ lạnh lùng đầy tàn nhẫn. Tấm gương đó, quả thực rất đáng thương. Và bóng hình dưới đáy gương càng lúc càng thêm cô độc.

Nghĩ đến đó nó lại khóc, tiếp tục khóc một cách đau đớn và quắt quay, như thể một bông hoa héo khô quăn tít.

Ngoài cửa sổ là bầu trời xám xịt, nhàu nhĩ như một tờ giấy vo viên vừa được căng ra.

Trời đã trở lạnh. Nó biết thế, mặc dù cửa sổ vẫn đóng chặt và kín đến nỗi không một chút lạnh lẽo nào có thể len lỏi vào phòng.

Lúc ra khỏi nhà, mẹ đã quàng một chiếc khăn len màu lông chuột dày cộm. Điều đó khiến nó cảm nhận được hơi lạnh đầu đông giữa một căn phòng luôn kín gió và cả những tiếng động bên ngoài. Dường như, mối liên hệ duy nhất giữa cảm nhận của nó và thế giới bên ngoài là mẹ.

Tiếng kim đồng hồ chậm rãi khắc từng nhát một vào giữa những khoảng lặng bao bọc bên ngoài tiếng khóc của nó, đều đều.

Nó cuộn tròn, chìm vào giấc ngủ nặng trịch. Khuôn mặt ngoằn ngoèo những dòng nước mắt dính dấp sắp sửa khô đi.

Một căn phòng khóa chặt. Một đứa trẻ lịm dần vào giấc mơ đầy mộng mị.

2. Viết đến đây thì cụt hứng. Thiệt là bất bình. /o\

Extra. Con người ơi~

.

.

.

Khi bạn ở trên cao, bạn có thể nhìn thấy rất nhiều thứ, rất nhiều thứ mà lúc bạn chạm đất bạn không thể nào thấy được.

Tôi thích ở những nơi cao, càng cao càng tốt.

Nhưng tôi muốn một chỗ an toàn và vững chắc. Một nơi an toàn và vững chắc ở trên cao. Vì tôi muốn được nhìn thấy những điều mà bình thường tôi không thể thấy, chứ không phải để tìm thứ cảm giác chênh vênh và nguy hiểm.

Tôi không cần cảm giác mạnh. Tôi chỉ muốn được yên bình, nhưng không muốn bản thân trở nên nhợt nhạt.

Khi tôi nói ra điều đó, bằng những ngôn từ mà tôi có, Kansu đã mỉm cười. Bạn ấy cười và nói rằng tôi thật quá tham lam. Đã muốn được nhìn thấy thật nhiều thứ mà không chấp nhận những rủi ro bất chợt.

Nhưng tôi lại không cho rằng mình tham lam. Vì bản thân tôi cho rằng mình xứng đáng có được những điều mà tôi muốn. Chỉ là người lớn không thích điều đó. Họ dạy tôi rằng bất cứ điều gì cũng phải trả giá, và rằng không nên tự cho rằng mình xứng đáng được hưởng một điều gì đó. Họ muốn tôi tỏ ra biết điều và khiêm tốn.

Là họ muốn vậy. Còn tôi, thì không.

Chẳng việc gì phải che giấu những ước muốn. Vì càng che dấu thì lại càng bất an. Và nỗi bất an sẽ biến thành sợ hãi một khi có được ước muốn của mình. Đôi lúc chỉ muốn thốt lên:

Con người ơi, sao phải tự làm khổ mình đến vậy?

[Hạt dẻ của Du Mai] Cơn mưa trong hầm để xe

.

Mắc mưa dưới hầm để xe.

Đó là một điều không thể, tất nhiên. Vậy thì cái quái gì đang diễn ra thế này ?!!

Tôi bần thần đứng dưới một cơn mưa trong hầm để xe. Từng thớ thịt ướt mèm và rét run lên. Tôi nhớ là mình đang khóc. Và sau đó thì trời mưa. Tất cả chỉ có thế. Đơn giản và rõ ràng, ngoại trừ một việc. Đó là, trên cơ sở lý thuyết logic thông thường, một cơn mưa trong hầm để xe là điều không tưởng.

Nhưng nó quả thực đang xảy ra.

Mưa đang rơi trong hầm để xe. Và tôi, kẻ duy nhất đứng đây, ngạc nhiên và mắc mưa và ướt nhẹp.

Nhảm 7. Những đứa trẻ không được yêu thương

.

.

.

“Nếu đứa con không làm vừa lòng bố mẹ thì có thể nó sẽ bị chối bỏ và vĩnh viễn không còn được chấp nhận nữa.
Nó sẽ từ khước từ tha thứ cho chính bản thân mình.
Vì sinh ra là một đứa trẻ không được yêu thương.”

Tôi trích dẫn chúng. Và chỉ có vậy.

Có đôi khi, chúng ta đành dùng lời nói của người khác để diễn đạt chính mình.

Nhảm 6. Nấm

.

.

.
Tôi nghĩ nấm rất ngon. Tôi thích nấm. Nhưng có một số người ghét chúng. Tôi không biết tại sao họ ghét chúng. Nấm rất dễ thương. Vậy mà vẫn có người ghét chúng.

Giống như tôi.

Khi tôi tỏ ra ngoan ngoãn và vâng lời. Họ nói tôi là một đứa tẻ nhạt và chán ngắt. Nhưng khi tối bắt đầu có những ý kiến riêng và tự mình quyết định lấy số phận thì họ lại nói tôi là một đứa trẻ hỗn xược và cứng đầu.

Lúc tôi nói nhiều, họ cho là phiền phức và yêu cầu tôi im đi. Nhưng khi tôi không còn muốn nói với bất cứ ai về bất cứ điều gì nữa, họ lại bảo tôi không muốn chia sẻ và không biết cách đáp lại sự quan tâm của mọi người.

Tôi nhìn họ. Và biết mình khác biệt. Rằng tôi không thể đứng đằng kia, lẫn vào trong tất cả mọi người. Không phải là tôi tự tách biệt mình. Mà là vì họ không dung chứa tôi và tôi cũng chẳng muốn mình dung chứa họ. Những kẻ hời hợt với những tín điều và định kiến.

Nhưng dù cho tất cả mọi người đều ghét nấm, thì chúng vẫn cứ mọc hàng ngày, và tồn tại và lớn lên, một cách độc lập và hoàn toàn tự chủ.

Và không phải ai cũng ghét nấm.

Còn rất nhiều người thích nấm, giống như tôi.

Nhảm 5. Những nỗi đau mất trí nhớ

.

.

.

Có những nỗi đau đã đánh mất ký ức và không còn nhớ được vì sao chúng là những nỗi đau.

Tôi có rất nhiều những nỗi đau như thế. Đơn giản là vì những cảm xúc thường đọng lại lâu hơn những ký ức. Có rất nhiều thứ khiến tôi cảm thấy buồn và đau thương, mặc dù tôi không còn nhớ lý do thật sự đằng sau những cảm giác đó.

Ví dụ tôi rất sợ bị những người tôi đã bỏ lại sau lưng tìm thấy tôi, nó khiến tôi bất an và lo lắng và sợ hãi và mệt mỏi. Tôi không nhớ từ đâu mà mình có những cảm xúc ấy. Một thứ hỗn hợp tạp nham và hổ lốn. Nhưng nó khiến tôi đau. Và tôi căm ghét những khoảnh khắc đó. Nhưng lại không biết được vì sao tôi như thế.

Có lẽ một ký ức nào đó trong quá khứ đã tạo nên chúng và tất cả đeo bám tôi.

Cho đến bây giờ.

Chông chênh 7. Nửa đêm về sáng

.

.

.

Có đôi khi tôi giật mình thức dậy vào lúc nửa đêm. Khi ấy tôi có thể chọn lựa, hoặc là nằm xuống và ngủ tiếp, hoặc là rời khỏi giường và đi loanh quanh trong nhà một mình cho tới sáng.

Thường thì việc chọn lựa dựa vào tình trạng của tôi lúc đó. Nếu tôi mệt, cảm thấy cơ thể rã rời trong khi đầu thì nặng trịch, tôi sẽ nằm xuống và tiếp tục ngủ, vì đó là một nhu cầu thiết yếu. Còn nếu tôi cảm thấy tỉnh táo và khát nước và đổ mồ hôi thì tôi sẽ leo xuống giường, ngồi thừ một lúc cho tỉnh hẳn rồi lần mò tìm đường xuống cầu thang trong bóng tối. Tôi sẽ uống nước trong phòng khách, ăn cái gì đó trong tủ lạnh dưới bếp và lang thang trong nhà cho đến khi nào tôi muốn ngủ lại.

Những lúc ấy tôi thường có cảm giác rất lạ, như thể mình là người duy nhất còn tồn tại trên thế giới này, vì một lý do nào đó có thể rất hoang đường. Và nếu có thể, tôi muốn mở cửa, rời khỏi nhà và đi trên những con hẻm nhỏ gấp khúc nối nhà tôi với đường lớn. Tôi muốn lang thang khắp những con phố tối om và tận hưởng cảm giác cô đơn khi bản thân chỉ còn là một cá thể đơn độc trên cõi đời này.

Nhưng tôi cũng biết, rằng những điều tôi đang cảm thấy không phải là hiện thực, rằng tôi không phải là người duy nhất còn lại. Và nếu tôi rời khỏi nhà trong lúc này tôi sẽ gặp nguy hiểm, hơn bất cứ ai. Vậy là tôi ngồi lại, một mình trong bóng tối. Hoặc đứng lên và đi vòng quanh nhà trong khi cố tránh không gây ra bất cứ tiếng động nào dù là nhỏ nhất.

Có thể nói, cái cảm giác chỉ còn lại một mình và loay hoay đi lên đi xuống cầu thang là một điều rất tuyệt. Nó giải phóng tôi khỏi những khuôn mặt giả trá ban ngày, lôi tôi ra khỏi những cảnh giác căng thẳng thường trực và trả tôi về với chính tôi. Một đứa trẻ xỉn màu và loang lổ những cảm xúc chân thực.

Đôi khi, tôi ngồi trên những bậc thang bằng đá lành lạnh và có ước muốn được từ đó lăn xuống đất. Lăn tròn. Bình bịch, bình bịch lăn qua mười mấy bậc. Thân mình cạ vào từng cạnh vuông góc mài mòn của từng bậc thang. Sau đó tiếp đất và gập người tận hưởng sự đau đớn bầm dập trong thinh lặng. Đã có lúc tôi định làm thế. Nhưng khi vừa áp mặt xuống nền đá, tôi lại thấy sợ. Một nỗi sợ hãi đặc quánh rỉ ra trong não, ngăn tôi thực hiện hành động được coi là rồ dại. Cuối cùng, tôi ngồi dậy và quay vòng vòng trong những suy nghĩ cá nhân về nỗi sợ hãi vừa rồi.

Những lúc như thế, tôi lại muốn ăn một thứ gì đó. Và tốt nhất nên là một mẩu chocolate đen để lạnh đến mức cứng lại. Cái vị ngòn ngọt ngăn ngẳn đắng đó khiến tôi dễ chịu.

Ngồi bệt trước tủ lạnh, tập trung nghiền nát những mẩu kẹo cưng cứng, cảm nhận chúng rã ra trong miệng, trở nên mềm dẻo và dinh dính rồi dần dần biến mất, tôi có cảm giác mình đang sống. Có lẽ, hành động phá hủy một thứ gì đó đã giúp tôi chạm vào sự tồn tại của chính mình. Rằng tôi sống. Và miếng chocolate trong miệng biến mất cho sự sống của chính tôi.

Và có khi ước muốn được lăn xuống cầu thang cũng là một biến thể của khát khao mãnh liệt ấy. Dù rằng đó là một phương thức tồi, vì tôi sẽ làm tổn hại đến bản thân. Nhưng tôi cảm thấy nhợt nhạt. Và tôi muốn biết, rằng thực sự tôi có tồn tại hay không?

Rằng, tôi có phải là một thực thể? Hay chỉ là một ảo ảnh đáng buồn?

Kết thúc rồi. Ban đầu, tôi đã từng nói rằng tôi muốn viết đến hết chap 13 của Chông chênh rồi mới kết thúc nó. Nhưng bây giờ thì tôi không muốn nữa. Hay nói đúng hơn là không thể. Tôi chẳng thế nào tiếp tục kéo dài nó ra theo ý nguyện. Vậy nên, tôi đành tự mình dừng lại. Cho dù làm thế thật buồn.